Vitech Group: Thăm hỏi, tặng quà, tri ân các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam

Sáng nay 25.7, Vitech Group phối hợp cùng Cục Truyền thông Truyền hình An Ninh (ANTV) tổ chức chương trình Thăm hỏi, tặng quà, tri ân các gia đình chính sách, TBLS, nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn Huyện Ứng Hòa – Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của đại diện BLĐ Công ty CP Tập đoàn Vitech và Cục Truyền thông ANTV.
Hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2023) sáng nay đã thể hiện tinh thần tinh thần hướng về cội nguồn, lòng biết ơn sâu sắc tới thế hệ đi trước, vì độc lập dân tộc. Đây là nét đẹp trong Văn hóa doanh nghiệp Vitech Group!
Đây là hoạt động tri ân nhằm đẩy mạnh phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn những đóng góp xương máu của thế hệ đi trước, góp phần động viên, chăm lo đời sống gia đình người có công với cách mạng.
Chương trình đã trao 25 suất quà và 02 xe lăn trị giá 50 triệu đồng cho các cựu chiến binh và nạn nhân chất độc da cam ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội.

Cùng với Hội Phụ nữ – Cục Truyền thông ANTV, BLĐ Vitech Group đã tới thăm hỏi, tặng quà các gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Đoàn tới thăm gia đình Đại tá Nguyễn Văn Hiên, nguyên Trưởng Công an huyện Ứng Hoà (Hà Nội), chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi cả hai con trai của ông đều nhiễm chất độc da cam.Theo lời kể của Đại tá Hiên, năm 1972, khi vừa kết hôn với cô gái cùng làng, ông lên đường nhập ngũ. Tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, người lính ấy đã nhiễm chất độc da cam của quân Mỹ rải trên những cánh rừng nơi ông cùng đồng đội hành quân.

Năm 1977, ông chuyển ngành sang Công an. Năm 1983, ông làm Phó trưởng Công an huyện Ứng Hoà. 10 năm sau, ông được đề bạt làm Trưởng Công an huyện khi mới 39 tuổi. Khi chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống đời thường, ông buồn rầu cho biết, mình nhiễm chất độc da cam từ chiến trường nhưng không hay biết, mãi sau này, ông mới nhận được hung tin.

Năm 1979, vợ chồng ông vui mừng đón con trai đầu lòng và đặt tên là Nguyễn Chí Hiếu. Hiếu sinh ra bình thường, nhưng càng lớn chân tay càng đau nhức và dần lan ra toàn thân. Em trai Hiếu kém anh 2 tuổi, sinh ra cũng hoàn toàn bình thường. Được 7 tuổi, người em có biểu hiện đau lưng, đau cơ, đi “bước thấp bước cao”. Ông Hiên đưa con đến Bệnh viện Quân y 103 khám. Làm một loạt xét nghiệm, bác sĩ nghi ngờ con ông nhiễm chất độc da cam từ ông. “Khi đó bác sĩ chỉ định tôi đi xét nghiệm và tôi bàng hoàng biết mình nhiễm chất độc da cam và di truyền sang các con”, ông Hiên kể.

Di chứng của chất độc da cam đã di truyền sang đến thế hệ thứ ba là cháu nội của ông Hiên. “Cậu con trai thứ hai sau khi lấy vợ sinh được 3 người con, có một cháu trai bị bại não do di truyền chất độc da cam từ bố. Còn bố cháu thì lưng ngày càng gù xuống”, ông Hiên xót xa kể.

Cùng mang nỗi đau di chứng chất độc da cam là gia đình ông Phạm Văn Tiến, ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hoà. Ông có hai con trai năm nay 37 và 42 tuổi đều nhiễm chất độc da cam từ ông, bị ảnh hưởng thần kinh nên không có sức lao động. Vợ ông Tiến bị bại liệt nhiều năm nay, chỉ ngồi một chỗ; bản thân ông thường xuyên ốm đau, bệnh tật, cuộc sống của gia đình lâm vào bĩ cực.

“Hai con trai lấy vợ sinh con, các cháu đều bị di chứng chất độc da cam, đi học không biết gì, có cháu học 4 năm không lên nổi lớp. Trong nhà có cháu gái năm nay 16 tuổi bị u máu, cũng không biết gì, mẹ cháu thì đã mất do bị ung thư”, ông Tiến buồn bã kể lại.

Chia sẻ tại chương trình, ông Nguyễn Đình Khiêm, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam huyện Ứng Hoà cho biết: Toàn huyện có 3.775 liệt sĩ, 315 Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện 3 mẹ còn sống; 36 thương bệnh binh và nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Cả huyện có xấp xỉ 1.300 người bị ảnh hưởng chất độc da cam, hiện có 851 người còn sống.

Xúc động trước hoàn cảnh khó khăn của các nạn nhân da cam, ông Lê Đức Nam, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vitech chia sẻ:

“Vitech là 1 đơn vị về công nghệ phần mềm và marketing, công ty chúng tôi có khoảng hơn 60% là các bạn trẻ gen z. Do đó Vitech chúng tôi rất chú trọng việc xây dựng 1 văn hóa hướng về cội nguồn, văn hóa Biết ơn. Thông qua hoạt động chào cờ và hát quốc ca vào thứ 2 hàng tuần là văn hóa bắt buộc, 1 phần thể hiện sự biết ơn đến thế hệ cha ông, 1 phần chúng tôi nhắc nhau cùng gìn giữ trân quý độc lập tư do, nhất là với tình hình thế giới và biển đông như hiện nay.

Hoạt động tri ân nhân ngày 27/7 là hoạt động thường kỳ của công ty trong nhiều năm qua. Chúng tôi mong muốn với 1 chút tấm lòng thành để thể hiện sự biết ơn đến gia đình có công với đất nước, những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho độc lập tự do của tổ quốc

Nhân ngày 27/7 ngày thương binh liệt sỹ, Tôi thay mặt cho tập thể CBNV Vitech xin được gửi lời biết ơn đến gia đình người có công, chính sách, các anh hùng, thương binh liệt sỹ, đã anh dũng hy sinh cho thế hệ trẻ chúng tôi ngày hôm nay được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, và có môi trường làm việc bình an, may mắn”.

Chúng ta đã và đang được sống trong cảnh đất nước hòa bình, tự do. Chiến tranh đã qua đi, nhưng để lại nhiều di chứng cho thế hệ sau. Cùng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh thân nhân gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, nạn nhân da cam là một trong những trách nhiệm lớn lao và cũng là hoạt động ý nghĩa, thiết thực hướng về cội nguồn. Qua đó, cũng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới những hy sinh, đóng góp xương máu của thế hệ cha ông cho hòa bình, độc lập của Tổ quốc.

Một số hình ảnh ghi lại hoạt động tri ân của Đoàn.

    

 

Kết nối với chúng tôi để đồng hành cùng gia đình ViTech Group:

EnglishVietnamese